Không nằm ngoài xu hướng chung của các đô thị lớn trên cả nước, vùng đất ven biển miền Trung này đang chứng kiến làn sóng phát triển mạnh mẽ các khu đô thị tích hợp, thương mại – dịch vụ, mở ra triển vọng mới cho cả thị trường lẫn bức tranh đô thị tương lai.

Thị trường phục hồi, nguồn cung nhiều phân khúc bật tăng

Báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thị trường nhà ở tại Trung Trung Bộ đã bắt đầu lấy lại nhịp độ tăng trưởng trong năm 2024. Cụ thể, tổng nguồn cung mở bán đạt 7.845 sản phẩm, tăng tới 82% so với năm trước. Trong đó, phân khúc căn hộ chiếm ưu thế vượt trội khi chiếm đến 74,4% tổng số sản phẩm chào bán ra thị trường.

Nhờ lực đẩy từ dòng sản phẩm này, tỷ lệ hấp thụ của toàn khu vực đạt mức 47%, tương đương 3.675 giao dịch thành công.

Xu hướng phục hồi tiếp tục được nối dài sang quý I/2025. Trong ba tháng đầu năm nay, Trung Trung Bộ ghi nhận 2.566 sản phẩm nhà ở được tung ra thị trường, tương đương quý trước và gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Dù tỷ lệ hấp thụ giảm nhẹ còn 38% (khoảng 983 giao dịch), nhưng con số này vẫn cao gấp 3,15 lần so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm tạm thời này chủ yếu do phần lớn các dự án mở bán mới diễn ra vào cuối quý.

Không chỉ căn hộ, các dòng sản phẩm như biệt thự, nhà phố và shophouse cũng bắt đầu sôi động trở lại. Có 7 dự án bước vào giai đoạn triển khai tiếp theo, cung cấp tổng cộng 323 sản phẩm – tăng 66% so với cùng kỳ 2024. Tỷ lệ hấp thụ đạt 33%, tương đương 105 giao dịch thành công, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang đón nhận thêm tín hiệu tích cực. Trong quý đầu năm nay, khu vực ghi nhận 350 sản phẩm nghỉ dưỡng được đưa ra thị trường, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ đạt 32%, nhờ sự cải thiện về niềm tin thị trường và chất lượng nguồn cung. Condotel tiếp tục là dòng sản phẩm chủ đạo, chiếm tới 73% tổng giao dịch. Giá loại hình này dao động từ 65 đến 154 triệu đồng/m². Trong khi đó, biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng vẫn giữ mức giá cao, từ 14,6 đến 100 tỷ đồng/căn.

Dù có sự phục hồi rõ rệt, thị trường vẫn đối mặt với một thực tế là nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu. Riêng Đà Nẵng hiện chiếm đến 64% tổng nguồn cung BĐS nhà ở và nghỉ dưỡng toàn khu vực trong quý I/2025. Trong khi đó, quỹ đất trung tâm thành phố ngày càng eo hẹp, giá đất cao, khiến nhu cầu phát triển ra vùng ven trở thành xu thế tất yếu.

ChatGPT Image 10_07_15 20 thg 4, 2025 Ảnh minh họa

Đô thị thương mại – dịch vụ: Xu hướng chiến lược tại Đà Nẵng, Quảng Nam

Trước những chuyển biến mạnh mẽ của thị trường, VARS cho rằng việc phát triển các khu đô thị tích hợp tại Đà Nẵng và Quảng Nam không chỉ là xu hướng, mà còn là giải pháp mang tính chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Mô hình đô thị tích hợp giúp mở rộng không gian sống, giãn tải cho khu vực trung tâm và tạo ra hệ sinh thái sống – làm việc – giải trí – mua sắm liền mạch.

Đà Nẵng và Quảng Nam đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển mô hình đô thị thương mại – dịch vụ. Cả hai đều có vị trí chiến lược tại trung tâm miền Trung, dễ dàng kết nối các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước nhờ hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, cao tốc, quốc lộ và tuyến đường sắt quốc gia. Đây là tiền đề lý tưởng để hình thành các cụm đô thị vệ tinh đa chức năng.

Kinh tế khu vực cũng đang tăng trưởng mạnh. GRDP quý I/2025 của Đà Nẵng tăng tới 11,36%, dẫn đầu cả nước, trong khi Quảng Nam tiếp tục duy trì tốc độ ổn định. Với cơ cấu kinh tế nghiêng về dịch vụ và công nghiệp, hai địa phương này rất phù hợp để phát triển các khu đô thị tích hợp hiện đại.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở và dịch vụ đô thị cũng đang gia tăng nhanh chóng do dân số đô thị và du lịch phát triển mạnh. Hiện toàn khu vực có hơn 2,5 triệu dân, với tỷ lệ đô thị hóa cao ở các vùng ven như Hòa Vang, Tam Kỳ, Điện Bàn… Đặc biệt, Đà Nẵng được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh là “thành phố đáng sống”, thu hút không chỉ người dân trong nước mà cả giới đầu tư, chuyên gia và người nước ngoài đến sinh sống, làm việc.

Du lịch cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng. Năm 2024, khu vực Trung Trung Bộ đón gần 10 triệu lượt khách, trong đó riêng Đà Nẵng và Hội An chiếm gần 7 triệu lượt, với 35% là khách quốc tế. Điều này tạo ra nhu cầu lớn cho các tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm cao cấp – những yếu tố cốt lõi của một khu đô thị thương mại – dịch vụ hoàn chỉnh.

Ngoài ra, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu kinh tế tại vùng này như Chu Lai, VSIP, Liên Chiểu, Hòa Khánh hay khu thương mại tự do đang được thí điểm tại Đà Nẵng cũng đang phát triển nhanh chóng. Những khu vực này thu hút lượng lớn chuyên gia, kỹ sư, lao động trình độ cao, kéo theo nhu cầu về chỗ ở và dịch vụ đô thị chất lượng.

Về mặt quy hoạch, khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam đang được định hướng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, với các trục công năng rõ ràng: du lịch, công nghiệp, sinh thái, đô thị thông minh… Việc di dời ga Đà Nẵng, mở rộng các khu đất ven sông, ven biển và kết nối các đô thị như Hội An – Điện Bàn – Tam Kỳ sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho các siêu dự án đô thị tích hợp trong tương lai.

Đáng chú ý, nếu đề án sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam được thực hiện, vùng đô thị mới này sẽ đạt quy mô dân số và kinh tế tương đương các siêu đô thị cấp quốc gia, mở ra cơ hội quy hoạch các khu đô thị thương mại – dịch vụ quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với Hà Nội và TP.HCM cả về chất lượng sống lẫn tiềm năng đầu tư.

VARS nhận định, việc phát triển các khu đô thị thương mại, dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư ngày càng cao, mà còn tạo nên những cộng đồng dân cư văn minh, hiện đại. Từ đó kéo theo dòng chảy thương mại, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, góp phần định hình diện mạo đô thị mới cho khu vực ven biển năng động bậc nhất miền Trung.

Quỳnh Giao

Theo sohuutritue.net.vn Copy