Hà Nội xóa sổ bãi xe ‘lậu’ lớn cạnh khu chung cư Linh Đàm để xây trường học
Khu đất rộng gần 1,1ha cạnh tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) – nơi nhiều năm qua hình thành bãi xe lậu “khủng” – sẽ được giải tỏa để xây dựng trường học.
bãi xe ‘lậu’ lớn cạnh khu chung cư Linh Đàm để xây trường học |
Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, ông Nguyễn Hải Tú cho biết, phường đã ra thông báo về việc giải tỏa các hoạt động trông giữ xe và kinh doanh không phép tại ô đất TH3 và NT3 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, nhằm phục vụ việc xây dựng trường mầm non và trường tiểu học.
Để dự án thi công đúng tiến độ, UBND phường Hoàng Liệt đã phối hợp với Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD, dự kiến hoàn thành giải tỏa mặt bằng trước ngày 20/12. Cơ quan chức năng cũng đã dựng rào chắn và yêu cầu các cá nhân, tổ chức đang sử dụng khu đất di dời phương tiện ra ngoài.
Dự án sẽ xây dựng một trường tiểu học với quy mô 880 học sinh và một trường mầm non với 420 học sinh. Dự kiến, cả hai trường sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 3/2026. Khu đất này từng là nơi có bãi xe lậu “khủng”, trong khi nhu cầu về trường học tại khu vực này rất lớn, đặc biệt vì phường Hoàng Liệt có số lượng học sinh đông nhất Thủ đô.
Đắk Lắk có gần 1,2 triệu ha đất nông nghiệp
UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định về việc công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2023. Theo số liệu tính đến ngày 31/12/2023, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk là 1.307.041ha nhóm đất nông nghiệp: 1.193.028ha, nhóm đất phi nông nghiệp: 98.668ha, nhóm đất chưa sử dụng: 15.345ha.
Theo đó, số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2023 được sử dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. UBND các huyện, thị xã và thành phố có trách nhiệm chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2023 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo quy định.
Được biết, việc thống kê diện tích đất đai được thực hiện và báo cáo trên phần mềm thống kê , kiểm kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, việc thống kê chính xác số liệu diện tích đất đai năm 2023 cần phải được thường xuyên kiểm tra, rà soát để cập nhật, chỉnh lý biến động vào kết quả kiểm kê đất đai năm 2024.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2024 về phạm vi, đối tượng thống kê, kiểm kê đất đai quy định, thống kê, kiểm kê đất đai được thực hiện trên phạm vi đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và phạm vi cả nước.
Thống kê đất đai được thực hiện hằng năm, tính đến hết ngày 31/12 của năm thống kê, trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai. Kiểm kê đất đai được thực hiện 5 năm một lần, tính đến hết ngày 31/12 của năm có chữ số cuối là 4 hoặc 9.
TPHCM yêu cầu phá dỡ khẩn cấp chung cư 440 Trần Hưng Đạo vì nguy cơ sập đổ
Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký công văn yêu cầu phá dỡ khẩn cấp chung cư 440 Trần Hưng Đạo, quận 5, do nguy cơ sập đổ và mất an toàn. Cơ quan chức năng phải có phương án phá dỡ gửi UBND quận 5 trước ngày 15/12 và triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và các công trình xung quanh.
chung cư 440 Trần Hưng Đạo vì nguy cơ sập đổ |
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo, xây dựng trước năm 1975 với quy mô 3 tầng, đã xuống cấp nghiêm trọng và được đánh giá là “nhà cấp D” – mức độ nguy hiểm cao nhất. Kết cấu của tòa nhà không đảm bảo khả năng chịu lực, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Kể từ khi di dời 20 hộ dân vào đầu năm 2023, khu chung cư này vẫn chưa được tháo dỡ, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho khu vực xung quanh.
TP.HCM hiện có 474 chung cư cũ, trong đó 14 chung cư cấp D bị hư hỏng nặng, nguy hiểm. Thành phố đặt mục tiêu hoàn tất việc cải tạo và sửa chữa 246 chung cư cũ trước năm 2025, góp phần bảo vệ an toàn cho người dân và sử dụng hiệu quả quỹ đất trong tương lai.
Hà Nội gỡ “nút thắt” nhiều dự án bất động sản
Trước tình trạng các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội triển khai chậm, UBND thành phố đã chủ động tìm ra và giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Mới đây, dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1, khu đô thị Hạ Đình (quận Thanh Xuân) đã được khởi công sau thời gian chậm trễ do vướng mắc về quy hoạch và thẩm duyệt. Đồng thời, dự án chung cư CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh, quận Long Biên, đã được cấp phép xây dựng, góp phần tích cực vào việc giảm giá nhà, tạo sự cân bằng cho thị trường.
Thành phố dự kiến đến năm 2025, sẽ hoàn thành 11 dự án nhà ở xã hội với gần 6.000 căn, tương đương 345.000m2 sàn. Ngoài ra, các dự án lớn khác như Công viên văn hóa Kim Quy và khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp cũng đang được triển khai mạnh mẽ.
UBND thành phố cho biết, hiện có 712 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó 410 dự án đã được tháo gỡ vướng mắc. Các chuyên gia bất động sản nhận định, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý sẽ giúp giảm tình trạng thiếu nguồn cung, giúp thị trường ổn định và hạ nhiệt giá bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch kinh doanh cho năm 2025, với chiến lược phát triển các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền. Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Hơn 310 dự án chậm tiến độ trong khu kinh tế Hà Tĩnh
Tại kỳ họp 23 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh ngày 13/12, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết, tỉnh hiện có hơn 310 dự án còn tồn đọng, vướng mắc chưa được xử lý, trong đó nhiều dự án nằm trong Khu kinh tế. Việc này cho thấy trách nhiệm chưa thực sự quyết liệt của Khu kinh tế trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ.
Hơn 310 dự án chậm tiến độ trong khu kinh tế Hà Tĩnh |
Theo ông Hải, năm nay Hà Tĩnh đã chấp thuận 22 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 25.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trong tỉnh lên 1.550 dự án với quy mô 530.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải quyết các dự án chậm tiến độ và vướng mắc vẫn còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung vào ba lĩnh vực để kiểm tra và xử lý các dự án tồn đọng. Ông yêu cầu Khu kinh tế và các cơ quan liên quan phải vào cuộc quyết liệt, thu hồi ngay các dự án kéo dài, đồng thời thúc đẩy việc kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp như Hoành Sơn, Phú Vinh và mỏ sắt Thạch Khê, nơi còn nhiều vướng mắc cần giải quyết.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề cập đến những vấn đề trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc cấp phép khai thác khoáng sản chưa đáp ứng nhu cầu thị trường và việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm là những vấn đề gây lo ngại. Ông yêu cầu các ngành liên quan phải khẩn trương xử lý để tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại của người dân.
Ông Võ Trọng Hải cũng nhấn mạnh mục tiêu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán. Hà Tĩnh sẽ tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội vào năm 2025.
Huy Tùng (T/h)
Theo kinhtexaydung.petrotimes.vn Copy