Doanh nghiệp mới thành lập muốn làm dự án gần 7.000 tỷ đồng tại Hưng Yên

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Mỹ Hào vừa được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận là nhà đầu tư đủ điều kiện thực hiện dự án Khu đô thị mới Sen Hồ tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, với quy mô 62,6 ha và dân số khoảng 12.000 người.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 15/11: Doanh nghiệp mới thành lập muốn làm dự án gần 7.000 tỷ đồng tại Hưng Yên Ảnh minh họa
 

Theo kế hoạch, dự án Khu đô thị Sen Hồ bao gồm nhiều hạng mục như: khu nhà ở liền kề 15,05 ha với 1.173 căn, khu biệt thự 8,99 ha với 254 căn, và 3 tòa nhà hỗn hợp với diện tích 3,01 ha. Đặc biệt, dự án cũng sẽ xây dựng 952 căn nhà ở xã hội trên diện tích 4,38 ha, cùng các công trình thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục. Hiện tại, khu đất chưa tiến hành giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Mỹ Hào, thành lập vào tháng 7/2024 với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án này. Cổ đông lớn nhất của công ty là Công ty TNHH Vĩnh Thiện Đà Nẵng, sở hữu 95% cổ phần.

Công ty Vĩnh Thiện Đà Nẵng có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng (tính đến ngày 24/2/2024), thành viên góp vốn gồm ông Phạm Xuân Thủy góp 64,44%; Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Cần Giuộc góp 7,8%; Công ty Cổ phần Thái Sơn – Long An góp 27,76%.

Vĩnh Thiện Đà Nẵng được biết đến là chủ đầu tư một số dự án: Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở Khóm 4, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với vốn đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500 ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Đây là dự án khu đô thị sinh thái và sân golf có quy mô lớn nhất tỉnh Phú Thọ tính đến thời điểm hiện nay.

Dự án chung cư cũ tái khởi động, giá dự kiến tăng gấp 2-3 lần

Theo báo cáo thị trường quý III/2024 từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường OneHousing, nguồn cung căn hộ tại TP HCM giảm mạnh, chỉ có 125 căn hộ mới được mở bán, giảm 89% so với quý trước và là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Điều này khiến lượng tiêu thụ căn hộ cũng giảm 25% so với quý trước, tạo ra khó khăn cho người mua nhà và nhà đầu tư trong việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp.

Sự thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá bán trung bình toàn thị trường lên mức 80,2 triệu đồng/m², tăng 5% so với quý trước.

Từ tháng 8/2024, sau khi các bộ Luật Bất động sản sửa đổi được áp dụng, một số dự án cũ bị ngưng triển khai trước đây đã bắt đầu tái khởi động và mở bán trở lại. Điều này đồng thời làm tăng giá bán dự kiến của các dự án cũ lên gấp 2-3 lần so với mức giá trước đây. Dự án Eaton Park là một ví dụ điển hình với mức giá cao mới tại khu Đông TP HCM.

OneHousing dự báo nguồn cung mới trong năm 2025 sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2024, đạt khoảng 12.000 căn. Tuy nhiên, phần lớn các dự án mới sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp và hạng sang, với giá bán dự kiến trên 100 triệu đồng/m². Thị trường bất động sản TP HCM dự kiến sẽ có những thay đổi tích cực, với sự phục hồi trong lượng tiêu thụ vào những tháng cuối năm 2024.

Phú Quốc chuyển hơn 57 ha đất rừng thực hiện dự án khu du lịch sinh thái

Ngày 14/11, tại kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X đã thống nhất chủ trương chuyển đổi 57,72 ha đất rừng tại Phú Quốc để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm. Dự án này nằm tại tiểu khu 62, trong phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Phú Quốc, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 15/11: Doanh nghiệp mới thành lập muốn làm dự án gần 7.000 tỷ đồng tại Hưng Yên Phú Quốc chuyển hơn 57 ha đất rừng thực hiện dự án khu du lịch sinh thái (Ảnh minh họa)
 

Khu vực đất rừng này có chức năng rừng đặc dụng và sẽ được chuyển sang mục đích khác nhằm xây dựng một tổ hợp du lịch bao gồm khu resort, khách sạn, công viên cây xanh, khu vui chơi thể thao, bãi đỗ xe, và các dịch vụ du lịch khác. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Bắc đảo Phú Quốc, đáp ứng nhu cầu du lịch của cả khách trong nước và quốc tế.

Dự án cũng sẽ bao gồm việc chỉnh trang khu dân cư làng chài hiện hữu, cải tạo các cơ sở hạ tầng như bến cá, du thuyền, chợ hải sản, và xây dựng một khu làng chài mới phù hợp với quy hoạch chung của TP Phú Quốc.

Theo thông báo của UBND tỉnh Kiên Giang, chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Đặc biệt, diện tích đất rừng được chuyển đổi đã được đưa ra khỏi Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng cho dự án không ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân bổ diện tích đất rừng của quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cưỡng chế bàn giao phí bảo trì chung cư Saigon Gateway

UBND TP Thủ Đức vừa có văn bản gửi đến Sở Xây dựng TP HCM về việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì chung cư Saigon Gateway (chủ đầu tư là Công ty cổ phần bất động sản Hiệp Phú Land).

Tháng 4/2024, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức bàn hành quyết định 4638/2024 xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư với số tiền 180 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư theo quy định trong thời hạn 10 ngày.

Đến 21/6, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức ban hành quyết định 8186/2024 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, đảm bảo thi hành quyết định xử phạt hành chính số 4638/2024.

Ngày 8/8, UBND phường Hiệp Phú và các bên liên quan cùng Thanh tra xây dựng TP Thủ Đức có buổi làm việc về bàn giao phí bảo trì.

Ngày 29/8, UBND TP Thủ Đức ban hành công văn đề nghị chủ đầu tư khẩn trương phối hợp ban quản trị hoàn tất quyết toán và bàn giao phí bảo trì theo đúng cam kết tại buổi làm việc. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không thực hiện.

Trong tháng 9, UBND TP Thủ Đức gửi công văn đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng hỗ trợ xác minh tài khoản của chủ đầu tư.

Ngày 7/10, chủ đầu tư có công văn gửi UBND TP Thủ Đức, trong đó đề cập số tiền chủ đầu tư và ban quản trị thống nhất quyết toán là hơn 32,2 tỷ đồng.

UBND TP Thủ Đức gặp khó khăn trong việc cưỡng chế bàn giao phí bảo trì vì số tiền trong tài khoản của chủ đầu tư không đủ để chuyển sang ban quản trị. Vì vậy, TP Thủ Đức đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn cưỡng chế bàn giao phí bảo trì (cách thức cưỡng chế kê biên tài sản hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan công an).

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhà ở xã hội tại Việt Nam

Mới đây, tại TP HCM, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tổ chức buổi kết nối giữa các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và các đối tác Nhật Bản, bao gồm Tổ chức Tài chính Nhà ở Nhật Bản (JHF), Tập đoàn Sekisui Heim, và Thai SCG – Heim Nhật Bản. Mục tiêu của buổi gặp gỡ là hợp tác phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ và nhà ở vừa túi tiền tại Việt Nam.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 15/11: Doanh nghiệp mới thành lập muốn làm dự án gần 7.000 tỷ đồng tại Hưng Yên Ảnh minh họa
 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó TP HCM sẽ triển khai 69.700 – 93.000 căn hộ trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, hiện thành phố chỉ mới đạt khoảng 2,9% kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025. Nhiều công nhân và lao động nhập cư vẫn phải sống trong các khu nhà trọ.

Các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là Thai SCG – Heim, bày tỏ mong muốn hợp tác phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam. Theo ông Ryuji Saimon, đại diện Thai SCG – Heim, công ty này đã triển khai công nghệ xây dựng nhà lắp ghép, có thể xuất khẩu sang Việt Nam với phần lớn cấu kiện đã được lắp ghép sẵn. Đồng thời, JHF cũng cho biết sẵn sàng hợp tác với Bộ Xây dựng Việt Nam để phát triển nhà ở xã hội.

Trong bối cảnh này, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng Việt Nam làm việc với Bộ Đất đai, Hạ tầng giao thông Nhật Bản về việc hỗ trợ vốn ODA cho các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy các chính sách ưu đãi thuế và tín dụng cho các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Huy Tùng (t/h)

Theo kinhtexaydung.petrotimes.vn Copy