Dự án Aria Đà Nẵng bỏ hoang trên “đất vàng” ven biển

Dự án Aria Đà Nẵng là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 756 tỷ đồng, dự án có tổng diện tích khoảng 7 ha được TP Đà Nẵng cấp chủ trương đầu tư từ năm 2015. Dự án nằm ở bãi biển Tân Trà thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 17/10: Dự án Aria Đà Nẵng bỏ hoang trên Một số khối nhà chỉ mới xây xong phần trụ và đổ sàn
 

Theo nội dung được cấp phép, dự án sẽ xây dựng các hạng mục: khu khách sạn, khu nghỉ dưỡng thấp tầng, biệt thự biển cao cấp, dịch vụ giải trí, du lịch…

Dự án bắt đầu khởi công vào cuối năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ xây dang dở các khối nhà ở phần thô rồi bỏ hoang.

Điểm nhấn của dự án là 2 tòa tháp căn hộ cao 30 tầng và 1 tầng hầm thông giữa 2 tòa. Ngoài ra, dự án còn 2 tòa khách sạn cao 9 tầng cùng 28 căn biệt thự biển.

Trong đó, 2 tòa tháp căn hộ nằm gần mặt đường Võ Nguyên Giáp, cung ứng hơn 800 căn với diện tích từ 48-62m2. Hai tòa khách sạn quy mô hơn 200 phòng. Bên trong dự án có hồ bơi rộng với diện tích 1.000m2 cùng khu công viên, công viên nước…

Dự án Aria Đà Nẵng do Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước làm chủ đầu tư, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi là đơn vị phát triển.

Tháng 4/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng đã chấp thuận giãn tiến độ thực hiện dự án trong thời hạn 24 tháng, kể từ tháng 1/2019 đến tháng 1/2021 theo quy định. Nguyên nhân giãn tiến độ do dự án chậm triển khai trong thời gian 4 năm.

Đồng Nai đấu giá gần 39ha đất cụm công nghiệp Long Giao

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất cụm công nghiệp Long Giao tại thị trấn Long Giao và xã Cẩm Đường, huyện Cẩm Mỹ.

Theo quyết định này, Cụm công nghiệp Long Giao sẽ được đấu giá với giá khởi điểm hơn 350 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp Long Giao có tổng diện tích gần 560.000m. Theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất, diện tích đấu giá là gần 390.000m, gồm đất trung tâm dịch vụ công nghiệp, đất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, đất kho tàng – bến bãi.

Hình thức sử dụng là Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê với thời hạn 50 năm kể từ ngày UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định cho thuê đất. Phần diện tích còn lại là đất cây xanh công viên và quảng trường, đất hạ tầng kỹ thuật và đất giao thông không đấu giá; chủ đầu tư không phải nộp tiền thuê đất.

Hiện trạng là đất trống, không có tài sản gắn liền với đất, hạ tầng kỹ thuật trên đất chưa đầu tư. Khu đất đã có đường giao thông kết nối, có đường điện, nước sạch.

Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến 3 tháng sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định đấu giá khu đất.

Được biết, trong số 2 thành phố và 9 huyện của tỉnh Đồng Nai thì Cẩm Mỹ là huyện duy nhất đến nay chưa có khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động.

Người Hà Nội được mua nhà ở xã hội tại TP HCM

Tại hội nghị Đối thoại “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản”, bà Phạm Thị Thu Hà – Phó trưởng phòng Nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thông báo về những thay đổi quan trọng trong chính sách phát triển nhà ở xã hội, cho phép người dân từ các tỉnh, trong đó có Hà Nội, có thể mua nhà ở xã hội tại TP HCM. Theo quy định mới, người mua chỉ cần chứng minh rằng họ không sở hữu bất động sản tại khu vực có dự án nhà ở xã hội.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 17/10: Dự án Aria Đà Nẵng bỏ hoang trên Ảnh minh họa
 

Bà Hà cho biết, việc chứng minh sẽ đơn giản hơn, chỉ cần xác nhận từ vợ hoặc chồng rằng không có “sổ đỏ” tại nơi dự án tọa lạc. Ngoài ra, điều kiện thu nhập cũng được nới lỏng, với mức thu nhập hàng tháng tối đa là 15 triệu đồng hoặc tổng thu nhập của hai vợ chồng không vượt quá 30 triệu đồng.

Đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh rằng quy trình phát triển nhà ở xã hội đã được rút ngắn, với chỉ ba bước cần thiết. Chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất và các thủ tục hành chính liên quan, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bà Hà cũng cho biết, UBND cấp tỉnh sẽ phải bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo kết nối với hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Chủ đầu tư sẽ không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất và sẽ nhận được mức ưu đãi tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng.

Về nguồn vốn, sẽ có thêm các nguồn tài chính như quỹ phát triển nhà ở địa phương và ngân sách hỗ trợ hàng năm, cùng với khả năng vay từ các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến quý II năm nay, cả nước đã triển khai 503 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô 418.200 căn, cho thấy sự gia tăng đáng kể so với các thời điểm trước.

Quảng Ngãi ban hành quy định mới về diện tích tối thiểu khi tách thửa đất

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Quy định mới về điều kiện và diện tích tối thiểu khi tách, hợp thửa đất trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 30/10/2024. Quy định này thay thế Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 30/12/2021.

Theo Quyết định mới, các thửa đất ở đô thị không được tách thửa nhỏ hơn 50m². Tương tự, đất ở tại một số khu vực nông thôn như huyện Lý Sơn và các xã biển thuộc huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi cũng áp dụng diện tích tối thiểu 50m².

Đối với các thửa đất tiếp giáp với các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ quan trọng, diện tích tối thiểu sẽ là 70m². Các khu vực khác sẽ không được nhỏ hơn 100m².

Về đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu khi tách thửa sẽ dao động từ 100m² đến 500m², tùy thuộc vào loại đất và khu vực. Cụ thể, đất trồng cây hàng năm tại huyện Lý Sơn không được tách nhỏ hơn 100m², trong khi các khu vực khác yêu cầu ít nhất 300m² hoặc 500m². Đối với đất trồng cây lâu năm, quy định yêu cầu diện tích không nhỏ hơn 200m² ở Lý Sơn và 400m² tại các khu vực khác.

Đặc biệt, với đất rừng sản xuất, diện tích tối thiểu sẽ là 1.000m² ở các khu vực đồng bằng và 2.000m² ở những khu vực khác. Đối với đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối, diện tích tối thiểu cũng được quy định là 300m².

UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh rằng, hồ sơ tách thửa đất đã được tiếp nhận trước khi quy định mới có hiệu lực sẽ được giải quyết theo quy định cũ. Những đề nghị tách thửa mới sẽ được áp dụng theo quy định mới này.

TP HCM gỡ vướng cho 22 dự án bất động sản

Trong quý IV năm 2024, Hội đồng thẩm định giá đất TP HCM sẽ tiến hành thẩm định giá cho 22 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc về tiền sử dụng đất. Dự kiến, việc này sẽ giúp ngân sách Nhà nước thu về khoảng 25.483 tỷ đồng.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 17/10: Dự án Aria Đà Nẵng bỏ hoang trên Ảnh minh họa
 

Sở Tài Nguyên và Môi trường TP HCM đã gửi công văn tới Sở Tài chính để triển khai thẩm định giá đất cho các dự án này, nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách cho năm 2024. Trong số 22 dự án, nổi bật là Dự án khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart (Lotte), dự kiến thu về 16.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, khu đất 14,8ha tại phường An Phú (TP Thủ Đức) của Công ty cổ phần bất động sản Nguyên Phương dự kiến đóng góp khoảng 3.500 tỷ đồng cho ngân sách. Khu đất 230 Nguyễn Trãi (Quận 1) do Công ty TNHH BĐS N.T.N Trung Thủy đầu tư cũng dự kiến thu hơn 3.286 tỷ đồng.

Một số dự án khác như Diamond Riverside tại Quận 8 và khu đất phường Tân Hưng (Quận 7) dự kiến thu lần lượt 729 tỷ đồng và 623 tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (Horea), cho biết hiện có 148 dự án bất động sản tại TP HCM đang gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, đặc biệt là trong công tác thẩm định giá đất. Điều này đã ảnh hưởng đến việc triển khai dự án và quyền lợi của người dân.

Tại phiên họp tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các ban ngành tập trung giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính cho các dự án lớn trước khi kết thúc năm.

Huy Tùng (T/h)

Theo kinhtexaydung.petrotimes.vn Copy