Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc các chủ đầu tư tập trung vào tối đa hóa diện tích xây dựng để tăng lợi nhuận, thường là bằng nhiều cách khác nhau dẫn đến việc cắt giảm các khu sinh hoạt chung dành cho trẻ em.

Một số khu chung cư có bố trí điểm vui chơi cho trẻ em nhưng thường rất nhỏ và cũng dễ bị xuống cấp sau một thời gian ngắn, bị chiếm dụng.

Linh-Dam-3 Khu đô thị Linh Đàm bị cắt xén diện tích cây xanh. Ảnh: VNE

Thực tế tại một số chung cư của Hà Nội cho thấy hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng tại các chung cư cao tầng có xu hướng tăng cao, làm biến mất sân chơi và không gian sinh hoạt cộng đồng.

Ví dụ điển hình như tại Khu đô thị Linh Đàm, theo quy hoạch, khu đô thị Linh Đàm với sẽ là một khu đô thị xanh với hơn 200 ha, trong đó có 74 ha diện tích mặt nước, 31,5ha là các công viên, vườn hoa cây xanh. Đây được xem là khu đô thị kết hợp hài hòa với 60% diện tích khu là sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, nhà ở chỉ chiếm 23%. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng đồng bộ được quy hoạch đồng bộ.

Dự án có quy mô dân số 25.000 người, diện tích sàn 990.000m2 đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. 

Tổng diện tích cây xanh của khu đô thị hơn 31,5ha, chỉ tiêu cây xanh tính trên đầu người rất cao và có cảnh quan hấp dẫn. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng đồng bộ, với gần 4.000 căn nhà xây mới, trong đó có hơn 3.150 căn hộ chung cư cao tầng phục vụ hàng chục nghìn người dân Thủ đô đến định cư.

Sau quá trình triển khai, quy hoạch ban đầu của Khu đô thị Linh Đàm đã bị phá vỡ. Khu đất ở trung tâm bán đảo dự kiến xây dựng văn phòng đã bị chuyển đổi thành đất ở, trong đó tòa nhà VP3 và VP5 với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng (vượt 8 tầng so với quy hoạch) đã phá vỡ cấu trúc không gian khu vực này.

Khu đất VP6 được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường vành đai 3. Tuy nhiên, thực tế khu đất biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng. Khu dịch vụ tổng hợp kết nối giữa khu Bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu Tây Nam Linh Đàm… cũng đã trở thành các tòa chung cư cao tầng.

Theo quy hoạch, khu đô thị Linh Đàm sẽ có quy mô dân số 25.000 người. Tuy nhiên, với hàng loạt khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng, hoạng loạt nhà cao tầng xuất hiện đã làm sức chứa của khu đô thị lên tới trên 70.000 người, gần bằng quy mô dân số của đô thị loại III. Với việc người sinh sống nhiều hơn gấp gần 3 lần quy hoạch cộng với việc mật độ xây dựng cao nên diện tích cây xanh giảm xuống chỉ còn hơn 4m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chí mà  Bộ Xây dựng ban hành.

Tháng 9/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội về hàng loạt các dự án trên địa bàn.

Tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính thuộc địa giới hành chính quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân, có 2 khu chính: Khu 12,8 ha do Handico6 là chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và khu 34 ha do Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – thời điểm đó là doanh nghiệp Nhà nước) làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra phát hiện vi phạm nghiêm trọng ở Khu công viên giải trí số 1 – lô đất CX2 (dự án này đã được Vinaconex chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Bể bơi thông minh).

Tại dự án này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc 2 lần điều chỉnh, UBND TP Hà Nội 6 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định của pháp luật, tính mật độ xây dựng sai QCXDVN (Quy chuẩn xây dựng), đã điều chỉnh ô đất CX2 từ trồng cây xanh, sân bãi thể thao, cho phép kết hợp các dịch vụ nhỏ phục vụ nhu cầu thể thao, sách báo, bưu điện… thành xây dựng kết hợp công trình có diện tích xây dựng 139 m2, diện tích sàn 285 m2, rồi bổ sung bãi đỗ xe ngầm phía dưới vườn hoa cây cảnh, điều chỉnh từ bể bơi ngoài trời thành bể bơi có vách và mái che di động, điều chỉnh từ 2 tầng hầm thành 4 tầng hầm, thành nhà điều hành 2 tầng, bể bơi bốn mùa có mái che, 2 tầng hầm dịch vụ và đỗ xe, rồi điều chỉnh không xây dựng tầng hầm đỗ xe dưới diện tích công viên cây xanh, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại diện tích 2.682 m2 ô CX2-A dẫn đến giảm diện tích cây xanh, vi phạm quy chuẩn xây dựng Việt Nam….

Trên đường Hoàng Đạo Thúy, chung cư cao cấp N05 Đông Nam gồm 4 tòa nhà cao tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 176.978m².

 

Dù diện tích sàn công cộng là 40.092m² và diện tích quảng trường, cây xanh đường nội bộ là 15.795m², nhưng hệ số sử dụng đất đã vượt 6 lần quy chuẩn cho phép.

sd-268-1679909974-w49LW00KT4 Chung cư Đông Nam trên đường Hoàng Đạo Thúy. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó theo khảo sát, hết vườn hoa và sân chơi trong các chung cư hiện nay kém an toàn, hạn chế về tiện ích và được đầu tư ở mức tối thiểu.

Các chủ đầu tư thường quảng cáo rầm rộ về các tiện ích đi kèm như nơi vui chơi công cộng, khu sân vườn rộng rãi dành cho trẻ em khi bán nhà, nhưng trên thực tế, phần lớn diện tích này lại được chuyển đổi thành khu kinh doanh, buôn bán hoặc trông giữ xe.

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, GS.TS.KTS Đỗ Hậu – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, theo QCVN 10:2014/BXD quy định: Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở tối thiểu đạt 2 m2/người.

Mỗi đơn vị ở phải có tối thiểu một công viên, vườn hoa với quy mô tối thiểu là 5000 m2 và đảm bảo cho các đối tượng dân cư trong đơn vị ở (đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em) đảm bảo tiếp cận sử dụng. Trong các nhóm nhà ở phải bố trí vườn hoa, sân chơi phục vụ nhóm nhà ở với bán kính phục vụ không > 300m… Nhưng thực tế diện tích dành cho các hoạt động cộng đồng như vườn hoa, sân chơi và không gian giao tiếp công cộng là không đủ.

Nói về việc các khu chung cư hiện nay các khu vực vui chơi dành cho trẻ em bị thu hẹp, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân trong đó quá trình nghiệm thu không chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu sân chơi cho trẻ em tại các khu chung cư.

Mặc dù luật quy định bắt buộc các chung cư cao tầng hay khu đô thị mới phải có khuôn viên vui chơi giải trí, công viên, cây xanh cho cư dân, nhưng tình trạng “xén” diện tích này rất phổ biến.

Quá trình nghiệm thu thường chỉ tập trung vào từng căn hộ, mà không kiểm tra toàn bộ tòa chung cư hoặc khu đô thị.

Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như nếu quá trình nghiệm thu đã có nhưng quá trình hoạt động việc thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng khiến các khu vực sử dụng này bị hỏng hóc biến dạng, sau đó bị chiếm dụng làm thay đổi công năng sử dụng.

Để giải quyết vấn đề này, cần có những biện pháp cụ thể và toàn diện. Cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát việc nghiệm thu các dự án chung cư, đảm bảo rằng không chỉ căn hộ mà cả tòa chung cư và khu đô thị đều đáp ứng các tiêu chuẩn về không gian công cộng.

Ngoài ra, cần có chế tài nghiêm ngặt buộc chủ đầu tư phải xây dựng sân chơi, cây xanh và các tiện ích công cộng khác theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, cần tăng cường nhận thức cộng đồng, khuyến khích khách hàng ưu tiên chọn mua nhà tại các dự án có nhiều không gian vui chơi cho trẻ, tạo áp lực lên các chủ đầu tư để họ đầu tư nhiều hơn vào các tiện ích công cộng.

Bằng cách thực hiện những biện pháp trên, chúng ta có thể cải thiện chất lượng sống cho cư dân đô thị, đảm bảo rằng các khu chung cư cao tầng không chỉ là nơi ở mà còn là không gian sống lý tưởng cho cộng đồng.

Lịch sử cho thấy, Hà Nội từng có định hướng phát triển không gian công cộng, dành diện tích đáng kể cho sân chơi trong các khu tập thể cũ ngay cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Theo cuốn sách “Hà Nội: 10 thế kỷ đô thị hóa” và tư liệu bản đồ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, các khu nhà được xây dựng trong những năm 1955-1985 luôn dành 50-60% diện tích cho sân chơi, sân chung và cây xanh. Tuy nhiên, hiện nay khi nhu cầu cho các không gian này tăng lên thì thực tế lại bị nhiều chủ đầu tư cắt xén, thậm chí bị loại bỏ hoàn toàn.

Lại Cường

Theo treemvietnam.net.vn Copy